Melamine – Vài điều cần biết

Melamine – Vài điều cần biết

Melamine là gì?

Melamine (tên đầy đủ 1,3,5-triazine-2,4,6-triamine) là một bazơ hữu cơ có công thức hóa học C3H6N6 tạo thành từ 3 phân tử cyanamide (CN2H2).

Melamine ít tan trong nước, có thể giải phóng Nitrogen ở nhiệt độ cao nên được dùng làm chất chống cháy.

Melamine còn là dẫn chất của thuốc trừ sâu cyromazine và có thể được hình thành trong cơ thể động vật có vú từ cyromazine..

Phương pháp tổng hợp melamine

Nhà hóa học người Đức tên Justus von Liebig là người đầu tiên tổng hợp melamine vào năm 1834. Theo phương pháp này, calcium cyanamide (CaCN2) được chuyển thành dicyandiamide sau đó được nung nóng để tạo melamine.

Ngày nay urê được sử dụng trong công nghiệp để sản xuất melamine. Phương trình hóa học như sau:

6(NH2)2CO → C3H6N6 + 6NH3 + 3CO2

Trước hết, urê được phân tách tạo axit cyanic (HNCO) (phản ứng cần nhiệt độ cao):

(NH2)2CO → HCNO + NH3

Tiếp theo là phản ứng polyme hóa axit cyanic tạo dioxit cácbon và melamine (phản ứng tỏa nhiệt):

6HCNO → C3H6N6 + 3CO2

Quy trình kết tinh và rửa melamine tạo ra một lượng lớn nước thải. Thông thường nước thải được cô thành dạng rắn (có thể chứa đến 75% melamine) để thuận tiện và an toàn hơn cho quản lý và xử lý.

Các ứng dụng của Melamine

Melamine cùng với formaldehyde được dùng làm nguyên liệu cho sản xuất nhựa chịu nhiệt và chất tạo bọt làm sạch.

Melamine cũng là một trong những thành phần chính của chất màu có tên Pigment Yellow 150 trong mực in và nhựa…

Trong ngành sản xuất bêtông, melamine có tác dụng giảm hàm lượng nước, hạn chế tạo xốp, tăng khả năng chịu lực và độ bền của bêtông.

Do sở hữu hàm lượng nitơ cao nên ngay từ những năm 50, melamine được sử dụng làm phân bón. Tuy nhiên, do phản ứng thủy phân melamine nên tác dụng của nó đối với đất trồng rất hạn chế

Các phương pháp Kjeldahl và Dumas thường được dùng để đo hàm lượng đạm trong thực phẩm (một chỉ số dinh dưỡng) qua việc xác định hàm lượng nitơ. Chính vì vậy melamine được dùng để làm tăng chỉ số Nitrogen (người ta thường gọi là chỉ số đạm giả)

Nhựa melamine thường được dùng trong đóng gói thực phẩm cũng như làm nguyên liệu chế tạo các dụng cụ ăn uống như thìa, dĩa… nên melamine có thể xâm nhập từ dụng cụ bao gói hay đồ dùng ăn uống vào thực phẩm với hàm lượng rất nhỏ (tính bằng phần triệu). Melamine cũng có thể được hình thành (như là dẫn chất) từ thuốc trừ sâu cyromazine nếu chất này có mặt trong mô của động vật, thực vật. Hai trường hợp này (đều với hàm lượng rất nhỏ) có thể được gọi là sự “hiện diện không chủ định” để phân biệt với các trường hợp “cố tình” thêm melamine nói trên.

Melamine gây độc ra sao?

Bản thân melamine không có tính độc ở liều thấp, nhưng khi kết hợp với axit cyanuric thì có khả năng gây sỏi thận thậm chí dẫn đến tử vong.

Gây độc cấp tính

Thí nghiệm trên chuột cho thấy LD50 = 3.000mg/kg khối lượng cơ thể nếu melamine được đưa vào theo đường miệng.

LD50 của thỏ khi làm thí nghiệm kích thích trên da lớn hơn 1000mg/kg.

Mèo ăn thức ăn chứa melamine có các biểu hiện của hư thận.

Gây độc mãn tính

Nếu ăn thực phẩm chứa melamine có thể dẫn đến các tổn thương đường tiêu hóa, sỏi bàng quang, sỏi thận và có thể ung thư bàng quang.

Melamine cũng được tìm thấy trong mô thận của mèo và chó được cho ăn thức ăn chứa melamine.

Sự lắng đọng các tinh thể muối melamine tại thận của lợn và cá cũng tương tự như axit uric gây sỏi thận ở người.

Thí nghiệm trên chó ăn thức ăn chứa 3% melamine trong một năm dẫn đến giảm tỷ lệ các thành phần quyết định tăng trưởng, tăng bài tiết nước tiểu, hình thành tinh thể melamine trong nước tiểu, đi tiểu ra máu.

Tinh thể melamine rất khó tan, di chuyển rất chậm trong đường tiết niệu (từ thận xuống niệu đạo) nên có khả năng gây các triệu chứng độc cấp tính.

Bài viết được trích dẫn từ Wikipedia

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *